Chữa ho bằng lá trầu không, cỏ xước và mật ong "thần thánh" cho bé yêu
Với truyền thống gia đình bên ngoại mấy đời ông cố đều là thầy thuốc nên dù sau này không ai theo nghề nhưng chị Lê An vẫn học hỏi được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Những bài viết của chị về bài thuốc chữa ho bằng lá trầu không, cỏ xước và mật ong cho các con là Cá chép Chích bông được nhiều bà mẹ chia sẻ.
Chị Lê An bảo, thông thường, mỗi khi bé bị mũi dãi và ho hắng nhẹ, chị chỉ cần rửa mũi và nấu canh thịt thăn lá hẹ cho bé ăn là có thể khỏi. Nhưng có những đợt bé bị nặng hơn thì chị phải sử dụng đến bài thuốc chữa ho "thần thánh", đơn giản mà hiệu quả cao.
- Bài thuốc "cỏ xước - cúc tần - hoa ngũ sắc tím (hay còn gọi là cây cứt lợn": Các nguyên liệu lấy chừng một nắm tay, theo tỉ lệ 1:1:1, bỏ nước lạnh (tốt nhất là nước mưa) và đun sôi và phút để được một thứ nước hơi đắng đắng thanh thanh. Cho trẻ uống thay nước, rả rích cả ngày sẽ làm "sạch tiệt" mũi dãi, ho hắng. Trong trường hợp trẻ sốt cao, có thể thêm lá diếp cá, còn nếu muốn tăng tác dụng thì thêm lá bồ công anh chỉ thiên. Bài thuốc này đặc biệt nhạy với bé Cá chép trong những lúc bị viêm mũi dẫn đến ho, viêm họng, sưng họng. Chị Lê An đã áp dụng bài thuốc này từ lúc bé được 7,5 tháng.
- Bài thuốc "lá trầu không" - loại lá trầu cay được trồng ở miền Bắc: "Món" trầu không chữa ho đối với Cá được xếp vào dạng "kháng sinh hạng nặng" và cho đến nay "thanh niên" Cá chép mới chỉ phải dùng đến 1 lần, lúc bé hơn 2 tuổi. Khi đó, bé bị sốt cao, không ăn, thở dốc (co thắt phế quản), nằm mệt, không chơi, không nói chuyện. Cá bị kéo dài 2 ngày thì mẹ cho dùng bài thuốc lá trầu không. Sau 3 ngày, con hết gần như toàn bộ dấu hiệu bệnh, tuy nhiên mẹ vẫn tiếp tục cho uống thêm 3,5 ngày nữa.
Sử dụng kháng sinh tự nhiên trong các loại cây, cỏ khá lành tính với trẻ.
Chị Lê An chia sẻ 3 bài thuốc trị ho bằng lá trầu không mà chị đã học từ ông ngoại và sưu tầm được. Liều lượng trong hướng dẫn là dành cho người lớn, còn để áp dụng cho trẻ nhỏ, chị Lê An lưu ý các bố mẹ chỉ dùng từ 1/4 đến 1/2 liều lượng. Thứ tự các bài thuốc cũng là thứ tự điều trị cho bé, phải lần lượt qua bài 1, bài 2 rồi mới tới bài 3.
Theo Y học Tuệ Tĩnh, lá trầu vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm; có tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu thũng chỉ thống, hoá đàm, chống ngứa. Trong lá Trầu chứa tinh dầu thơm, có vị nồng, gồm chủ yếu là 2 phenol: betel-phenol là đồng phân của eugenol và chavicol kèm theo nhiều hợp chất phenolic khác. Chúng có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khẩu, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtillis và trực trùng coli. Vì vậy, lá trầu thích hợp đề chữa bệnh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản co thắt do nhiễm lạnh (phong hàn).
Bài 1: Lá trầu và mật ong
Nguyên liệu và vật dụng:
- 10 lá trầu (không chọn loại non vì ít tinh dầu).
- 160-200 ml nước đun sôi (không cần phải quá chính xác).
- Rây hoặc vải lọc.
- 3-4 thìa mật ong (chừng 10-15ml).
Cách làm:
- Lá trầu rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát ăn cơm, giã nhuyễn.
- Cho nước sôi vào ngâm trong 20 phút, sau đó dùng tay sạch vò và vắt cho kiệt lá trầu để chất thuốc ra hết trong nước.
- Lọc lấy nước, trộn mật ong uống sau bữa ăn 30 phút. Mỗi ngày 2 lần. Bé uống trong 7-10 ngày. Nếu là viêm mãn tính thì mỗi liệu trình kéo dài 8-10 ngày, ngừng khoảng một tháng rồi uống lại nếu cần. Ngoài ra, vào các buổi tối, bố mẹ có thể hơ nóng lá trầu rồi dán vào ngực bé khi ngủ.
Bài 2: Lá trầu và gừng
Áp dụng bài thuốc này khi đã dùng bài 1 khoảng 5 ngày mà chưa có biến chuyển.
Nguyên liệu và vật dụng:
- 10 lá trầu (không chọn loại non vì ít tinh dầu).
- Gừng già 5 lát.
- 160-200 ml nước đun sôi (không cần phải quá chính xác).
- Rây hoặc vải lọc
Cách làm:
- Lá trầu thái nhỏ, gừng 5 lát, giã nhuyễn.
- Cho nước sôi vào ngâm 20 phút, sau đó vò lá trầu rồi vắt hết nước thuốc.
- Lấy nước uống sau bữa ăn 30 phút. Mỗi ngày 2 lần. Mỗi đợt uống khoảng một tuần, ngừng trên một tháng rồi uống lại nếu cần (chưa dứt khỏi trong các trường hợp bị mãn tính).
Hành tăm được trồng nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bài 3: Lá trầu và hạt nén (củ nén, nhiều nơi gọi là hành trăm/hành tăm)
Bài này sử dụng trong trường hợp đã dùng bài 2 khoảng 3 ngày mà không có biến chuyển.
Nguyên liệu:
- Trầu 10 lá thái nhỏ.
- Củ nén: 3-4 củ.
Cách làm:
Tương tự như bài 2.
Lưu ý:
- Liều lượng 3 bài thuốc trên dành cho người lớn và đều dùng được cho trẻ em nhưng phải dùng từng bài một, liều lượng chỉ bằng 1/4 đến một nửa so với người lớn. Ở bài 2 và 3, có thể thêm chút đường phèn cho trẻ dễ uống (còn theo mẹ Cá chép thì không cho tốt nhất).
- Riêng 2 bài sau, khi uống thấy khó chịu (do đường tiêu hóa kém) thì chỉ nên dùng 3 ngày rồi tạm dừng lại, 3 ngày sau nếu thấy bình thường thì dùng tiếp 2-3 ngày nữa.
- Không được pha lẫn mật ong với hạt nén vì hai vị này khắc nhau.
- Dùng các bài thuốc trên kết hợp với ngâm chân nước gừng, muối mùa đông hoặc đơn giản là nước muối ấm rồi massage chân sẽ tăng hiệu quả. Đối với người lớn, cần chịu khó tập thể dục và vận dụng các bài hít thở.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét