Thiếu mẫu chuyên nghiệp - nỗi nhức nhối của tuần thời trang
Dàn người mẫu không đồng đều, thiếu kinh nghiệm trình diễn... khiến khán giả xem show có thể bị phá hỏng cảm xúc ngay từ phút đầu.
Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam vừa kết thúc hôm 26/4 với sự tham gia của 21 nhà thiết kế và 20 show diễn. Để đáp ứng đòi hỏi của một sân chơi thời trang quốc tế, Vietnam International Fashion Week 2015 phối hợp với các nhà thiết kế tổ chức tuyển chọn người mẫu gắt gao trước mỗi show diễn.
Năm nay, ban tổ chức casting được 200 người mẫu đến từ nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Trung bình, lượng người mẫu trình diễn cho một nhà thiết kế là 30 người. Ở hậu trường, gần 40 chiếc gương dành riêng cho công đoạn trang điểm với hơn 60 chuyên viên. Người mẫu Hoàng Thùy cho biết cô và đồng nghiệp thường phải làm việc từ 8h đến 23h mỗi ngày từ việc casting đến thử đồ diễn nên rất mệt mỏi.
Các người mẫu làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt với các nhà thiết kế cùng đội ngũ trang điểm, làm tóc.
Là thành phần của ban tuyển chọn người mẫu, Quán quân Vietnam's Next Top Model 2011 chia sẻ năm nay nhiều gương mặt mới tiềm năng đến casting. Tuần lễ thời trang vì thế giảm được tình trạng nhà thiết kế Việt Nam mời hoa hậu không đủ tiêu chuẩn mẫu catwalk, tăng tính chuyên nghiệp của một show diễn hơn hai mùa trước.
Song chất lượng người mẫu tại tuần thời trang trên thực thế lại không cao. Khán giả xem show nhận thấy rõ sự chênh lệch trong đội hình biểu diễn.
Trong buổi trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế người Pháp Dany Atrache, người mẫu mở màn gây thất vọng cho khán giả. Nhiều người nhăn mặt và lắc đầu khi chân dài catwalk với vẻ thất thểu, tay chân vung vẩy kém chuyên nghiệp. Trước đó, khi phần nhạc chính của show và đèn sân khấu chưa nổi lên, cô gái đã đi ra đường băng và nhanh chóng được nhân viên hậu trường kéo trở về cánh gà. Thường với một bộ sưu tập, người mở màn (first-face) và kết màn (vedette) đảm nhận vai trò quan trọng nhất. Sự thiếu chuyên nghiệp này khiến nhiều khán giả nhận địnhgương mặt mở màn đã phá hỏng hoàn toàn tinh thần bộ sưu tập. Không chỉ riêng chân dài này, một số mẫu khác trong show cũng nhận lời phàn nàn về hình thể, gương mặt kém biểu cảm.
Ngoài chất lượng không đồng đều, ở nhiều buổi diễn, việc người mẫu lộ nhược điểm catwalk cũng tồn đọng. Dễ thấy nhất là những bước catwalk chệch choạc trên nền nhạc. Để tạo cao trào cho các show diễn, phần nhạc nền được nhà tổ chức chuẩn bị khá công phu, chuyển biến nhiều lần từ nhanh sang chậm. Thế nhưng vẫn có những gương mặt lúng túng không điều tiết bước chân theo điệu nhạc. Thậm chí, trong show diễn của Lê Thanh Hòa, một số gương mặt quen còn khá lúng túng khi phải quay người catwalk trên phần lá khô trải trên đường băng nhằm tăng tính thị giác.
Người mẫu mở màn gây thất vọng trong show của nhà thiết kế Dany Atrache.
"Bộ sưu tập đẹp nhưng dàn mẫu nói chung không thật sự cuốn hút, nhiều cô catwalk vụng về, chệch choạc trên đường băng. So với nhà thiết kế Việt, nhà mốt nước ngoài có vẻ bị thiệt thòi vì người mẫu 'xịn' hình như đã nằm trong show Lê Thanh Hòa diễn ngay sau đó. Với chất lượng mẫu thế này, nếu không cải thiện được, tôi nghĩ khả năng các nhà thiết kế ngoại quay lại Việt Nam diễn tiếp là rất thấp", một nhà thiết kế Việt xem show cho biết.
Trao đổi với VnExpress, bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam - chia sẻ các người mẫu đều phải trải qua hai vòng tuyển chọn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng. Dù ban tổ chức casting một lần, các nhà thiết kế vẫn đích thân chọn lọc lần nữa trước khi cho mẫu thử đồ. Tùy tiêu chí của từng bộ sưu tập mà nhà thiết kế chọn gương mặt phù hợp. Đó cũng là lý do dẫn đến sự "lệch pha" về chất lượng mẫu trong chương trình năm nay.
Trước vấn đề chất lượng mẫu không đều, bà Trang cho biết: "Số người mẫu chuyên nghiệp ít hơn so với số lượng chúng tôi cần. Năm nay chúng tôi hạn chế để người mẫu trùng nhau ở các show để tránh tình trạng trễ giờ diễn như năm ngoái. Mỗi nhà thiết kế lại có ý tưởng trang điểm, làm tóc riêng, nên số mẫu cần được tăng cường. Do đó, chất lượng người mẫu ở show của nhà thiết kế này có thể khác so với nhà thiết kế khác".
Là người đồng hành với Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam từ mùa đầu tiên năm 2014, ông Jean Paul Cauvin - giám đốc điều hành Học viện Thời trang Atelier Chardon Savard (Pháp) - cho biết: "Chuyện người mẫu không đồng đều ở các Tuần thời trang là bình thường, là bất cập chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tôi từng dự nhiều tuần lễ lớn như Paris, Milan, London. Các người mẫu đủ tiêu chuẩn của các nhà thiết kế là có hạn, trong khi họ phải di chuyển khắp nơi trong thành phố vì một số nhà thiết kế tổ chức show ở địa điểm khác nhau. Vì thế mỗi show luôn có những người mẫu chuẩn và kém chuẩn hơn một chút".
Đảm bảo lượng người mẫu chuyên nghiệp cho các show diễn là bài toán khó của đa số tuần thời trang trên thế giới.
Năm nay không một người mẫu nào nổi bật vượt trội, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người xem ở các show.
Lê Thúy và Kha Mỹ Vân hiện được đánh giá là hai người mẫu thành công của Việt Nam khi đã trúng show diễn ở Tuần thời trang Milan và Paris trong năm nay, nhưng họ đều vắng mặt ở tuần thời trang này. Lê Thúy bức xúc cho biết cô được đích thân êkíp của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa mời diễn, song đến phút cuối lại nhận được thông báo cấm diễn từ ban tổ chức. Còn Kha Mỹ Vân không được phép trình diễn trong suốt tuần lễ.
Trước tin đồn cho rằng mối quan hệ của hai người mẫu này với phía chương trình đã rạn nứt vì những bất hòa cá nhân, đại diện ban tổ chức từ chối bình luận.
Năm 2014, Hoàng Thùy và Nguyễn Oanh là hai người mẫu để lại ấn tượng với phong cách trình diễn biểu cảm. Năm ngoái, Minh Tú khiến nhiều khán giả vỗ tay khi liên tục đảm nhận vị trí vedette hay mở màn với cách diễn quyến rũ, hút hồn.
Chất lượng người mẫu vẫn là bài toán khó của làng mốt, đặc biệt gây nhiều nhức nhối ở Việt Nam. Số lượng mẫu giỏi đã thiếu, song một số người còn bị cấm diễn vì những lý do cá nhân không rõ ràng khiến Tuần thời trang Quốc tế Việt Nam hứng chịu thiệt thòi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét