Câu chuyện tình đằng sau lễ cưới ấm áp của hai người phụ nữ ở Sài Gòn
"Chúng tôi đấu tranh hôm nay, không phải là cho chính mình mà là cho thế hệ tương lai. Những đứa trẻ đồng tính sẽ cảm thấy bình đẳng khi chúng biết rằng, lớn lên chúng sẽ được phép cưới người mình yêu, chứ không phải trốn tránh bản thân như thế hệ chúng tôi bây giờ".
Hôn nhân luôn là một bước ngoặt quan trọng của đời người. Nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn đối với các cặp đôi đồng tính, vì bước ngoặt ấy không còn đơn thuần là sự kiện đánh dấu thời khắc gắn bó giữa hai người yêu nhau mà còn là một quyết định mạnh mẽ của hai con người dám tranh đấu cho hạnh phúc của bản thân.
Ngày 14/3, một lễ cưới ngập tràn sắc hoa của chị Vũ Kim Vinh (1961) và chị Đặng Thị Thanh Vân (1978) đã được diễn ra tại TP.HCM trong niềm hân hoan của tất cả người thân và bạn bè. Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ hai người phụ nữ hạnh phúc này và lắng nghe họ tâm sự về cuộc sống sau hôn nhân của họ nhé!
Lễ cưới ấm áp bên người thân và bạn bè của chị Vinh và chị Vân được tổ chức ở TP.HCM.
Chị Vinhsang Mỹ định cư năm 1980 và làm chuyên viên tâm lý về bạo hành gia đình. Những năm gần đây chị chuyển sang làm thông dịch viên. Còn chị Vân hiện đang làm nhân viên cho một văn phòng đại diện của công ty dược của Mỹ ở Việt Nam.
Một người ở Mỹ, một người ở Việt Nam, cách nhau nửa vòng trái đất, vậy cơ duyên nào đã giúp hai chị quen biết nhau?
Tôi biết Vân thông qua facebook của một người bạn. Lúc đó tôi khá ấn tượng vì cô ấy có chung một sở thích với tôi là đi phiêu lưu khám phá những vùng văn hóa ở các nước. Thế là chúng tôi bắt đầu có những cuộc trò chuyện với nhau trên mạng xã hội.
Tôi còn nhớ có một lần Vân nói với tôi rằng: "Không biết đến khi nào thì em mới có cơ hội được gặp gỡ trò chuyện với chị ở bên ngoài?". Và tôi đã nói rằng: "Đừng đợi cơ hội, vì cơ hội là do chính chúng ta tạo ra và nắm bắt".
Và hai chị đã nắm bắt cơ hội của cuộc đời mình như thế nào?
Tháng 4/2015, chúng tôi đã nhận lời một nhóm bạn đến Vũng Tàu ngắm nguyệt thực. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Vốn đã có cảm tình từ trước nên chúng tôi đã trò chuyện với nhau rất nhiều, cùng nhau ngắm biển đêm và nguyệt thực.
Sau lần đó, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn. Và 5 ngày sau chuyến đi, tôi nói với Vân: "Hay là mình yêu nhau đi?"
Khi đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống, có lẽ hai chị cũng đã từng có những mối tình dang dở trong đời. Vậy những mối tình ngày xưa có gì khác với mối tình hiện tại?
Đương nhiên là rất khác. Khi đã ở một độ tuổi trưởng thành nhất định, cái nhìn về tình yêu của chúng tôi có một sự trải nghiệm trưởng thành hơn. Những mối tình trước đều có những kỷ niệm đẹp riêng, nhưng đôi khi nó khiến tôi mệt mỏi. Ở mối quan hệ hiện tại, chúng tôi thẳng thắn với nhau ngay từ những lần gặp gỡ đầu tiên, thẳng thắn với nhau trong mọi vấn đề từ tài chính đến gia đình hay công việc để thấu hiểu nhau. Chúng tôi không che giấu bản thân và tô vẽ tình yêu quá tươi đẹp, để rồi đến một thời điểm nào đó lại hụt hẫng, thất vọng về nhau.
Trên tất cả chúng tôi hiểu mình là ai, thích gì, ghét gì và làm được gì. Chúng tôi không tâng bốc nhau và chỉ cố gắng nhìn vào những điểm tốt để tạo cho nhau những niềm vui trong cuộc sống. Thế nên mặc dù thời gian tìm hiểu nhau của chúng tôi rất ngắn nhưng lại chất lượng và ý nghĩa.
Vậy nên hai chị đã quyết định sẽ tổ chức một lễ cưới để gắn kết hai tâm hồn đồng điệu?
Thật sự đối với tôi lễ cưới chỉ là mang tính hình thức và không quan trọng. Tôi là một người khá ngông nên tôi không muốn hạnh phúc của mình phải phụ thuộc vào quyết định của một ai đó. Ở độ tuổi này, tìm được một người ở bên mình, đi cùng mình đến cuối cuộc đời quan trọng hơn những thứ hình thức lễ nghi bên ngoài ấy. Vì thế khi Vân đề cập đến hôn lễ tôi cũng suy nghĩ rất nhiều.
Lý do nào đã khiến chị thay đổi quyết định?
Điều đầu tiên khiến tôi suy nghĩ chính là lợi ích của cộng đồng LGBT. Có thể thế hệ chúng tôi không cần được xã hội công nhận, không quan trọng những lễ nghi hình thức, nhưng thế hệ sau sẽ cần điều đó. Chúng tôi đấu tranh hôm nay, không phải là cho chính mình mà là cho thế hệ tương lai. Những đứa trẻ đồng tính sẽ cảm thấy bình đẳng khi chúng biết rằng, lớn lên chúng sẽ được phép cưới người mình yêu, chứ không phải trốn tránh bản thân như thế hệ chúng tôi bây giờ. Vì thế tôi mong muốn hôn lễ của mình sẽ giúp xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn đối với tình yêu của cộng đồng LGBT. Bởi tình yêu của chúng tôi cũng giống như tất cả mọi người và chúng tôi cũng mong muốn được cưới người mình yêu.
Thứ hai là tác động từ phía gia đình. Các anh chị tôi đã nói với tôi rằng: "Em không nên xem thường lễ cưới của mình như vậy. Tại sao em lại không để anh chị được giúp em có một lễ cưới đúng nghĩa, khi em đã hi sinh cho gia đình rất nhiều". Và ngay cả mẹ vợ tôi, mặc dù sức khỏe đã yếu vẫn mong muốn được tham dự lễ cưới, nên chúng tôi đã quyết định sẽ tổ chức một lễ cưới ý nghĩa nhất có thể.
Hai chị đã tốn bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho ngày đặc biệt của mình?
Ban đầu, chúng tôi dự tính tổ chức một buổi tiệc nhỏ mời những người bạn thân thiết đến chung vui thôi. Nhưng sau khi được gia đình động viên, bạn bè ngỏ ý muốn tham gia, con số khách mời đã tăng lên rất nhiều, từ dự tính 20 khách đã tăng lên 120 khách và chúng tôi chỉ có 3 tuần để chuẩn bị cho sự thay đổi đó.
Rất may mắn nhận được sự hỗ trợ của nhiều người bạn, lễ cưới của chúng tôi đã được diễn ra thành công và ý nghĩa.
Không gian tràn ngập sắc hoa của lễ cưới.
Sự góp mặt đông đủ của người thân và bạn bè trong lễ cưới.
Hai chị định nghĩa hôn nhân là như thế nào?
Với chúng tôi hôn nhân không phải là một câu chuyện cổ tích, hôn nhân là bắt đầu bước chung trên một con đường thực tế. Có những lúc tràn ngập hạnh phúc nhưng cũng không thiếu những căng thẳng và khó khăn. Để sẵn sàng với những thử thách đó, chúng tôi buộc phải chấp nhận thay đổi một số thói quen để dung hòa cuộc sống.
Hôn nhân luôn chứa đựng những mâu thuẫn, vậy cách để hai chị giải quyết chúng là gì?
Hôn nhân của người dị tính hay đồng tình đều ẩn chứa những mâu thuẫn. Để giải quyết, chúng tôi thống nhất với nhau những quy tắc chung, để mỗi khi xảy ra mâu thuẫn cứ dựa vào nguyên tắc đó mà "xử lý". Ví dụ chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng mỗi sáng thức dậy phải hôn nhau một lần, mỗi khi cãi nhau có thể lớn tiếng nhưng không được dùng từ ngữ xúc phạm làm tổn thương nhau, vì khi đã làm tổn thương nhau một lần thì sẽ có lần thứ hai.
Hoặc chúng tôi thống nhất là không được giận nhau qua 5 tiếng. Để thực hiện quy tắc này, vợ tôi đề nghị mua ghế sofa loại ít êm ái, để mỗi lần giận nhau mà ra sofa ngủ thì vì đau lưng quá mà đành đi vào phòng ngủ làm hòa (cười).
Mỗi khi một trong hai người nóng lên thì người kia phải tìm cách dịu lại. Trên hết chúng tôi tôn trọng nhau, tôn trọng tình cảm mà cả hai đang vun đắp.
Một gia đình thường thì không thể thiếu vắng những đứa trẻ, hai chị có dự định sẽ sinh con hoặc nhận con nuôi không?
Chúng tôi đã qua tuổi để nghĩ đến việc sinh con rồi. Vì thế trong tương lai chúng tôi sẽ không có ý định sinh hay nhận con nuôi. Việc sinh ra và nuôi lớn một đứa trẻ thật sự là một sự đầu tư lâu dài, nghiêm túc. Bạn phát minh ra một chiếc máy, nếu nó hư thì bạn có thể bỏ đi, nhưng việc sinh ra một đứa trẻ thì bạn phải có trách nhiệm với cuộc đời của nó. Ít nhất bạn phải có kế hoạch cho cuộc đời nó, để nó lớn lên trở thành một người có ích với xã hội. Chúng tôi không muốn trở thành kẻ ích kỷ khi không còn nhiều thời gian để nuôi dạy con trẻ. Vì vậy cứ vui sống với nhau và gia đình lớn của mình, vậy có lẽ sẽ thoải mái hơn.
Nhìn cách hai chị ngồi bên nhau, vui tươi trò chuyện, chúng tôi hiểu cả hai thật sự hạnh phúc với những gì đang có. Trong tình yêu không tồn tại giới hạn về tuổi tác hay giới tính nhất định nào. Khi đã đi qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta mới hiểu được đôi khi chỉ cần có một người ở bên cũng đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cảm ơn chị Vinh và chị Vân rất nhiều về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Xin chúc hai chị sẽ có một cuộc sống hôn nhân nhiều thú vị và hạnh phúc!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét